Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. 

         Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2017 và thay thế nhiều văn bản được ban hành trước đây.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của  Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai (sau đây gọi tắt là Quỹ Lào Cai) đã xây dựng, ban hành và đang thực hiện theo Quy chế bảo đảm tiền vay, Quy chế thẩm định cho vay, Quy chế cho vay đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-HĐQL, số 07/QĐ-HĐQL và số 08/QĐ-HĐQL ngày 08/7/2010 của Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai, về việc ban hành Quy chế bảo đảm tiền vay, Quy chế thẩm định cho vay, Quy chế cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai.

Để kịp thời vận dụng và thực hiện các quy định của cơ quan nhà nước bắt đầu từ tháng 3/2017, Quỹ Lào Cai đã áp dụng phù hợp những quy định của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN vào nghiệp vụ cho vay đầu tư của Quỹ Lào Cai.

Dưới đây là một số nội dung quy định chủ yếu của Thông tư 39/2016/TT-NHNN có liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ Lào Cai, như sau:

1. Về loại cho vay và thời hạn cho vay

Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định TCTD xem xét cho khách hàng vay theo 3 loại cho vay sau: (i) Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 năm; (ii) Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 năm và tối đa 05 năm; (iii) Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 năm. So với quy định 1627, Thông tư 39 đã thay đổi căn cứ tính thời hạn của khoản vay từ tháng sang năm. Quy định này đã thay đổi thời hạn vay tính theo ngày của các loại cho vay.

Hiện tại, Quỹ Lào Cai đang áp dụng toàn bộ các dự án theo loại vay: cho vay trung hạn và dài hạn (cho vay từ 2 năm đến 10 năm phù hợp với từng dự án vay vốn).

H1: Dự án cho vay vốn đầu tư xây dựng: Bến xe Trung tâm Lào Cai 
(thời hạn cho vay 10 năm, mức vốn cho vay 45 tỷ đồng, hoàn thành đầu xây dựng và hoạt động từ tháng 01/2015)

2. Về lãi suất cho vay

Trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 BLDS 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các TCTD 2010 và kế thừa quy định về lãi suất cho vay tại Thông tư 12/2010/TT-NHNN, Thông tư 08/2014/TT-NHNN, quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định về lãi suất cho vay như sau:

- TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

- Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

- Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Nợ gốc quá hạn gồm: (i) Nợ gốc đến hạn không trả được; và (ii) Nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.

Hiện tại, Quỹ Đầu tư phát triển đang áp dụng mức lãi suất vay trong hạn tối thiểu: 7,2 %/năm (áp dụng tính 1 năm 360 ngày trước thời điểm Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực; áp dụng tính 1 năm 365 ngày từ Hợp đồng tín dụng số 02/2017/HĐTD ngày 17/5/2017); Lãi suất cho vay quá hạn: bằng 150 % lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn; Lãi vay chậm trả: trường hợp Bên vay không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định thì phải trả lãi chậm trả cho Quỹ theo mức lãi suất 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả

3. Về thỏa thuận cho vay  

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định cụ thể hơn nội dung phải có của thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng. Cụ thể thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng phải lập bằng văn bản và phải có tối thiểu 14 nội dung sau đây:

a. Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của TCTD cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng;

b. Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;

c. Mục đích sử dụng vốn vay;

d. Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;

e. Phương thức cho vay;

f. Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;

g. Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;

h. Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;

i. Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;

j. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn;

k. Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với TCTD và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để TCTD thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;

l. Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi TCTD chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn;

m. Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;

n. Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.

        Đối với các Văn bản thỏa thuận tín dụng của Quỹ Lào Cai ký với Bên vay, về cơ bản đã đầy đủ các nội dung theo quy định của Thông tư 39/2016/TT-NHNN và tiến tới sẽ bổ sung chi tiết đầy đủ hơn theo từng dự án/công trình vay vốn, như: bổ sung quy định nội dung lãi vay chậm trả; chi tiết quy định thời hạn tính lãi vay, phương pháp xác định, cách tính lãi; cơ cấu lại thời hạn trả nợ ...
H2: Dự án cho vay vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại Tiến Thành 2 
(mức vốn cho vay 48,8 tỷ đồng, thời hạn cho vay 10 năm, ân hạn 1 năm, trả nợ gốc và lãi vay theo tháng, hoàn thành đầu tư xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2017).

4. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, TCTD xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể: (i) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được TCTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi; (ii) Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thoả thuận và được TCTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì TCTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; (iii) Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

5. Về chuyển nợ quá hạn

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã sửa đổi quy định này theo hướng TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

6. Về phương thức cho vay

Các phương thức cho vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN bao gồm: cho vay từng lần; cho vay hợp vốn; cho vay lưu vụ; cho vay theo hạn mức; cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán; cho vay quay vòng; cho vay tuần hoàn; các phương thức cho vay khác được kết hợp 8 các phương thức cho vay nêu trên, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD và đặc điểm của khoản vay.

Hiện tại, Quỹ Đầu tư phát triển đang áp dụng phương thức cho vay từng lần được quy định cụ thể trong Văn bản thỏa thuận tín dụng giữa các bên tham gia (trong đó có 1 số dự án cho vay do Quỹ Lào Cai và Ngân hàng TMCP cùng cấp tín dụng cho 1 chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai).

Ngoài các quy định như trên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng có quy định cụ thể về giải thích từ ngữ, nguyên tắc cho vay, yêu cầu đối với quy định nội bộ, thẩm định và quyết định cho vay, miễn giảm lãi, phí, kiểm tra việc sử dụng tiền vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn ...

Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của NHNN Việt Nam được ban hành đã quy định các nội dung cụ thể, đây là hành lang để các tổ chức tín dụng, đặc biệt các Quỹ đầu tư phát triển địa phương áp dụng kịp thời, phù hợp và hiệu quả đối với triển khai các nghiệp vụ trong hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ.  

Trong giai đoạn 2010-2018 Quỹ Lào Cai đã triển khai cho vay đầu tư với 14 dự án với tổng mức vốn cho vay trên 384 tỷ đồng, dư nợ tại thời điểm hiện tại là 137 tỷ đồng. Áp dụng Thông tư 39/2016/TT-NHNN kịp thời để triển khai cho vay phù hợp theo quy định, trên cơ sở các quy định trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN và kết hợp các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước, giai đoạn tới Quỹ Lào Cai sẽ triển khai xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ và các quy định của pháp luật./.


Bài viết + Ảnh: Quang Vinh.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập