Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội từ Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội
Tại kỳ họp thứ 9, quốc hội khóa XV ngày 29/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201/2025/QH15 Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Tại cuộc họp chiều ngày 02/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 201/2025/QH25 ngày 29/5/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và rà soát, đánh giá tình hình phát triển nhà ở xã hội 5 tháng đầu năm, kế hoạch triển các tháng cuối năm 2025.

anh tin bai

Ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghì triển khai Nghị quyết 201/2025/QH15 (ảnh sưu tầm)

Theo Nghị quyết số 201/2025/QH15, một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, nhằm tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đặc biệt, là cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, không thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà thực hiện giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu. Không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết. Bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, nhất là không yêu cầu thực hiện quy trình đấu thầu rộng rãi đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng mà được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn. Miễn giấy phép xây dựng đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình. Đặc biệt, nghị quyết đã quy định điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với các đối tượng chịu tác động bởi việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả phát triển nhà ở xã hội tại địa phương và trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng; lãi suất cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng còn khá cao so với mặt bằng chung; khó thu hút được các nhà đầu tư quan tâm xây dựng nhà ở xã hội… Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Đồng thời cam kết sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu, tiến độ Đề án Chính phủ giao; đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn.

anh tin bai

Ảnh tại điểm cầu tỉnh Lào Cai tham gia hội nghị (ảnh sưu tầm)

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị khởi công tổng số 06 dự án nhà ở xã hội với tổng số 4.669 căn nhà (bằng 61% mục tiêu Đề án). Đang triển khai thi công 03 dự án với tổng số 3.685 căn, diện tích đất 8,42ha. Đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công thêm 03 dự án nhà ở xã hội với tổng số khoảng 984 căn hộ, diện tích đất 6,39 ha.

Về tình hình nhà ở xã hội trong 5 tháng đầu năm 2025: Đối với 03 dự án đang triển khai, tỉnh Lào Cai đôn đốc các nhà đầu tư tổ chức thi công xây dựng đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Đối với 03 dự án đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công, đã lựa chọn được nhà đầu tư, đang hoàn thiện các thủ tục để chấp thuận nhà đầu tư. Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội phường Nam Cường; đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để trình chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội tại Tiểu khu đô thị số 10.

Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành khoảng 1.580 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai; lũy kế giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 2.036 căn. Dự kiến đến năm 2026, tỉnh Lào Cai sẽ thu hút đầu tư, khởi công toàn bộ các dự án đảm bảo theo nhu cầu khoảng 4.250 căn hộ và quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2029 sẽ hoàn thành vượt cả về chỉ tiêu, tiến độ, về đích trước 01 năm so với Đề án Chính phủ giao.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai phát triển nhà ở xã hội có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, nắm chắc chủ trương, từ đó, tổ chức thực hiện kịp thời, sáng tạo trong điều kiện thực tiễn tại đơn vị, địa phương. Quá trình triển khai phải có công cụ kiểm soát, tránh tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp sớm xây dựng Quỹ Nhà ở quốc gia. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét hướng dẫn, thực hiện đúng quy định về đối tượng thụ hưởng. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí cần tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương nhà ở xã hội để người dân tiếp cận, thụ hưởng theo đúng quy định.

  Nghị quyết này được thực hiện trong 05 năm kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2025. Toàn văn Nghị quyết Tải về

                                                                                                         Sưu tầm: Thúy Huyền (nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai)

          

    





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập