Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương quốc tế
Nghị Quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai đã tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tạo đột phá phát triển, trọng tâm là hạ tầng giao thông…. mở rộng không gian phát triển, tạo ra các lợi thế cạnh tranh… thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo nguồn lực cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển mà Đảng và Nhà nước giao.
 
anh tin bai

Thành phố Lào Cai hôm nay. Ảnh Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Những lợi thế đặc biệt

Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, là tỉnh có vị trí trung tâm của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (nằm giữa khu vực Tây Bắc và Đông Bắc), đồng thời là trung tâm của các tỉnh biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với vị trí cửa ngõ của biên giới phía Bắc. Lào Cai cũng được xem là điểm trung chuyển giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, một điểm nhấn quan trọng trên tuyến hành lang Bắc - Nam trong khuôn khổ Hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS).

Điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế, quân sự, đối ngoại, chính trị như vậy, Lào Cai đã và đang phát huy tốt vau trò “cầu nối” kinh tế, văn hóa, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đầy tiềm năng cho cả vùng và cả nước

Lào Cai có hệ thống giao thông liên vùng, liên quốc tế, với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tạo sự gắn kết giữa thành phố Lào Cai với các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng và mở ra mối liên kết giao thoa thúc đẩy phát triển kinh tế của 6 nước trong tiều vùng sông Mê Công mở rộng là: Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Trung Quốc (gồm: Vân Nam, Quảng Tây) và Việt Nam. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, nối liền đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc) dài 859 km.

Lào Cai là tỉnh duy nhất của Việt Nam có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố gồm: Cửa khẩu Quốc tế; Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành nối liền với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; có Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Lào Cai là vùng kinh tế động lực chủ đạo, 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia, hạt nhân để Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa các nước ASEAN và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Lào Cai có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế. Khu du lịch quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo đạt 02 kỷ lục thế giới cùng vớ Khu nghỉ dưỡng quốc tế Y tý đang được đầu tư sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương đón 15 triệu du khách và nguồn thu từ du lịch chiếm 25-30% GRDP vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai thác khoáng sản, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn. Trong đó, Quặng Apatit có trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, đủ khả năng cung cấp dài hạn nguyên liệu sản xuất phân bón chứa lân, góp phần vào chiến lực phát triển chung của cả nước. Quặng đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, xếp hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, Lào Cai có trữ lượng đất hiếm lớn thứ nhất cả nước, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của thế giới.

Cùng với quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316 ngày 29/3/2023; ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Đây là những cơ sở để Lào Cai mời gọi, thu hút các nhà đầu tư tạo nguồn lực cho các mục tiêu phát triển mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đối với Lào Cai.

anh tin bai

Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành ( Ảnh Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)

Triển khai nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tận dụng các lợi thế

Với khát vọng vươn lên, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có quyết tâm chính trị và hành động cụ thể để biến những lợi thế so sánh trở thành năng lực cạnh tranh của tỉnh để trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Theo đó, tỉnh Lào Cai chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và logistics, cụ thể đã và đang hoàn thiện và mở rộng các tuyến cao tốc: Tỉnh Lào Cai đang đầu tư nâng cấp đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn Yên Bái – Lào Cai đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, đồng thời triển khai các dự án kết nối như tuyến cao tốc nối Hà Nội – Lào Cai với Hà Giang và cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu.

Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa. Dự án Cảng hàng không Sa Pa được triển khai với mục tiêu đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm, nhằm tăng cường kết nối và thúc đẩy giao thương, du lịch.

Lào Cai đang xây dựng các trung tâm logistics theo quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu liên vận quốc tế và hội nhập.

Tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới: Tỉnh đang nghiên cứu và triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình mới về khu hợp tác kinh tế qua biên giới, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Triển khai cửa khẩu thông minh: Lào Cai đang xây dựng và vận hành cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả thông quan và quản lý.

Song song với đó, tỉnh Lào Cai đang tập trung phát triển dịch vụ tài chính, du lịch và thương mại, đó là: Tỉnh đang nghiên cứu triển khai các loại hình tổ chức tài chính khu vực và quốc tế tại Lào Cai, tạo đột phá cho sự phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính, tín dụng.

Phát triển du lịch chất lượng cao: Lào Cai tập trung xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các dịch vụ đặc thù tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và các huyện Bắc Hà, Bát Xát, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Thúc đẩy thương mại biên giới: Tỉnh đang phát triển các trung tâm thương mại, chợ đầu mối và các dịch vụ hỗ trợ thương mại khác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương với các nước trong khu vực.

Tăng cường hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc): Lào Cai phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vân Nam trong việc phát triển hạ tầng kết nối, thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới mục tiêu đưa Lào Cai và Vân Nam trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN.

Sonng song với đó, tỉnh Lào Cai tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị kinh tế trong khu vực Tiều vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), nhằm mở rộng quan hệ hợp tác và thu hút đầu tư từ các nước ASEAN và Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các địa phương vùng Trung du miền núi phía bắc tích cực triển khai vùng quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó với biển đổi khí hậu để thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội vùngTD&MNPB; Đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giải hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư;

Những nỗ lực trên của tỉnh Lào Cai đã và đang góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả các lợi thế sẵn có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vai trò trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các khu vực tiềm năng như ASEAN và Trung Quốc./.

                                                                                                                                                                                                                         Sưu tầm: Thúy Huyền ( Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai)






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập